Khi phân tích tình hình sức khỏe răng miệng của nhóm sản phụ sinh non – sinh nhẹ cân, một kết quả rất bất ngờ là có 98,7% sản phụ bị viêm lợi, 30,3% sản phụ bị viêm nha chu… Viêm nha chu khi mang thai nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Tìm hiểu ngay cách chữa viêm nha chu khi mang thai qua bài viết dưới đây.
1/ Ảnh hưởng của viêm nha chu khi mang thai
Viêm nha chu là gì?
Nha chu là toàn bộ tổ chức xung quanh răng, có nhiệm vụ chống đỡ và giúp cho răng được vững chắc trong xương hàm. Mô nha chu bao gồm nướu răng (lợi) là phần có màu nhạt phía dưới mỗi chân răng.
Viêm nha chu là tình trạng bệnh của mô nha chu bao gồm viêm lợi và viêm nha chu phá hủy, hay đơn giản là tình trạng nhiễm trùng bắt đầu từ nướu lan dần xuống các cấu trúc bên dưới của mô nha chu.
Phụ nữ có thai dễ bị viêm nha chu
Phụ nữ có thai là một trong những đối tượng thường xuyên mắc các bệnh lý răng miệng, đặc biệt là viêm nha chu. Trong quá trình mang thai, nội tiết tố progesterone tăng làm giảm sức đề kháng, nướu trở nên nhạy cảm hơn nên dễ bị viêm nhiễm, vi khuẩn tấn công, tạo điều kiện cho viêm lợi phát triển nhanh thành viêm nha chu.
Phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh lý răng miệng hơn người bình thường
Khi mang thai nhất là 3 tháng đầu, phị nữ thường xuyên bị nghén và nôn, nhiều người nhạy cảm với kem đánh răng bởi vậy việc vệ sinh răng miệng cũng trở nên khó khăn, tăng nguy cơ mắc các bệnh răng lợi.
Nhiều người không hiểu đúng về viêm nha chu, thường hiểu nhầm với bệnh viêm lợi nên dễ bị bỏ qua, không điều trị ngay, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Khi mẹ bầu bị viêm nha chu thì việc chữa trị càng phức tạp và dễ để lại những di chứng nguy hiểm cho mẹ và bé.
Những biến chứng viêm nha chu khi mang thai
+ Biến chứng khi mang thai: Vi khuẩn và các độc tố từ túi nha chu (ổ mủ) sẽ xâm phạm vào máu và tiếp cận nhau thai, dẫn đến viêm nhiễm và phá hủy màng thai, gây ra tình trạng co thắt tử cung, tiền sản giật, sinh non, trẻ sinh ra thiếu cân. theo các số liệu nghiên cứu cho thấy, những sản phụ bị viêm nha chu có nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân tăng gấp 2,2 lần so với các sản phụ không mắc bệnh lý này.
+ Biến chứng sau khi sinh: Bệnh viêm nha chu ở bà bầu còn khiến các mẹ dễ mắc phải các bệnh về tim mạch, đột quỵ, xơ vữa động mạch, tiểu đường… Và trẻ em khi bị lây nhiễm bệnh từ mẹ cũng có nguy cơ mắc các bệnh ở trên trong giai đoạn sau của cuộc đời. Đồng thời nó còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển về mặt thể chất – tinh thần – trí tuệ của trẻ trong tương lai.
2/ Chữa viêm nha chu khi mang thai
Khi phát hiện những dấu hiệu viêm nha chu. mẹ bầu cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc cho bản thân và thai nhi.
Phụ nữ mang thai bị viêm nha chu cần đến nha sỹ để thăm khám và điều trị
– Sau khi thăm khám, bác sỹ tiến hành lấy vôi răng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho bạn. Lấy cao răng cho bà bầu được thực hiện phù hợp nhất vào 3 tháng giữa của thai kì, vì thời kỳ này thai nhi đã ổn định hơn 3 tháng đầu và cơ thể mẹ cũng chưa nặng nề như 3 tháng cuối.
– Nếu mô xung quanh răng bị tổn thương nặng như chảy máu thì bác sĩ sẽ kê những loại thuốc kháng sinh được chỉ định cho phụ nữ mang thai. Bạn cần tuyệt đối tuân thủ sự chỉ dẫn của bác sỹ, không được tự ý sử dụng thuốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Bệnh lý nào trong thời kỳ mang thai cũng ảnh hưởng không nhiều thì ít thới sức khỏe của cả mẹ và bé. Vì vậy trước tiên bạn hãy cố gắng thực hiện tốt chăm răng miệng hàng ngày để phòng ngừa viêm nha chu khi mang thai.