Tới năm 2020, dự tính sẽ có 10 triệu người trên thế giới tử vong vì bệnh ung thư chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển. Nhưng điều đáng ngại là còn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm về căn bệnh này dẫn tới những hậu quả đáng tiếc!
1. Ung thư là kết thúc!
Một ngày sau khi đi kiểm tra sức khỏe, bạn biết mình bị ung thư và cho rằng, mình đã mang án tử hình. Điều đó là hoàn toàn sai lầm bởi nhiều loại ung thư có thể chữa khỏi tới 90%. Nếu có một chiến lược khám sức khỏe định kỳ, bạn sẽ được phát hiện bệnh sớm bằng các test sàng lọc. Ví dụ: ung thư vú, ung thư tuyến giáp,…
Ung thư có 200 bệnh khác nhau do những nguyên nhân gây bệnh khác nhau, vì vậy tiến trình phát triển bệnh cũng khác nhau. Nguyên nhân sinh ra ung thư là sự nhân chia của các tế bào một cách mất thăng bằng.
Đừng quá lo lắng bởi ung thư chưa hẳn là đã hết
2. Ăn đường, trứng vịt lộn làm cho tế bào ung thư phát triển ”thần tốc”
Đó là những lầm tưởng ở nhiều người bởi một số xét nghiệm tiến bộ sử dụng các đầu vị phóng xạ gắn với phân tử đường và dùng một máy quét ở đầu dò bên ngoài cơ thể phát hiện sớm ung thư di căn bởi tính chất háo đường của các tế bào ung thư.
Nhiều thử nghiệm lâm sàng được thử nghiệm tại Mỹ đã chỉ ra, việc sử dụng đường tinh luyện cũng như các thực phẩm chứa đường (bánh ngọt, sữa, đường tinh luyện) không làm cho tế bào ung thư phát triển nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, những bệnh nhân đái tháo đường týp 2 có mối liên quan chặt chẽ tới việc gia tăng một số bệnh ung thư như: ung thư vú ở phụ nữ bởi sự thừa đường trong cơ thể và quá trình chuyển biến được khi insulin không chuyển hóa được sẽ chuyển thành chất nội tiết gia tăng. Đó cũng chính là lý do vì sao những người thừa cân, béo phì có tỷ lệ mắc ung thư vú cao hơn so với những người có chế độ ăn nhiều chất xơ và cân nặng bình thường.
Chưa có một tài liệu khoa học nào chứng minh rằng, việc ăn trứng vịt lộn hay các thực phẩm có nguồn gốc tế bào mầm làm tăng nguy cơ gây ung thư. Trong trứng vịt lộn có nhiều hàm lượng dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
3. Bệnh ung thư có tính lây lan
Ung thư là bệnh không lây nhiễm. Bệnh không lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con, tiếp xúc… Vì vậy, không có lý do gì để xa lánh hay phải có biện pháp phòng tránh đối với người bệnh ung thư.
4. Đi dự đám tang làm cho bệnh di căn nhanh hoặc tái phát trở lại
Đây là quan niệm dân gian của ông bà ta từ thời xưa nhưng phải khẳng định rằng: đi dự đám tang sẽ không bao giờ dẫn tới việc tế bào ung thư di căn hay bệnh quay trở lại. Vì một trong những đặc tính của bệnh ung thư là tái phát và di căn. Khi đã chữa ung thư, phải luôn tuân thủ việc tái khám. Nếu giai đoạn sớm, nguy cơ tái phát ít nhưng không ai dám chắc sẽ diệt được tế bào ung thư cuối cùng.
Cảm giác mệt mỏi mà những người bệnh nhận thấy sau khi dự đám tang là do ảnh hưởng về mặt tâm lý. Đây cũng là cảm giác xảy ra không chỉ với người bệnh ung thư mà với bất cứ người nào.
5. Nhịn ăn để ”bỏ đói” tế bào ung thư
Khi nhịn ăn, tế bào ung thư chết thì tất nhiên cũng kéo theo các tế bào khác trong cơ thể chết theo. Như vậy, đồng nghĩa với việc cơ thể chúng ta cũng sẽ tử vong.
Ngược lại, người bệnh khi đang điều trị ung thư sẽ cần phải ăn nhiều hơn để có đủ năng lượng và dinh dưỡng, đáp ứng yêu cầu của quá trình điều trị nhiều loại thuốc nặng.